Nước bạn Lào có 16 tỉnh, một thành phố và một đặc khu. Nếu như người dân thủ đô Viên-chăn tự hào với các biểu tượng văn hóa, thì tỉnh Viên-chăn kế cận lại tự hào về nền công nghiệp của mình. Trở lại đây sau 30 năm, vẫn gặp hoa trắng (chăm pa), tháp vàng (Thạp luông), biểu tượng của đất nước Triệu voi, nhưng tôi đã thấy một hoa trắng, tháp vàng khác - đó chính là những con người thuộc "thế hệ mới" của nước bạn - một thế hệ trẻ trung và năng động.
Con gái lái xe hơi đi chợ mới là... sành điệu
Còn hai phút nữa, chuyến máy bay Hà Nội - Viên-chăn sẽ khởi hành, cô gái xinh đẹp, cao hơn cả tiếp viên hàng không và rất model khiến nhiều người trộm nhìn và bàn tán lúc ở phòng chờ của sân bay Nội Bài tiến đến chỗ tôi ngồi và nói bằng tiếng Việt rất sõi, rằng cô muốn tôi nhường cho cô ngồi ngoài. Tôi luống cuống đến mức va đầu vào cabin khiến những người cùng đi trong đoàn phải bật cười. Hóa ra, cô không phải người Thái Lan như mọi người đoán, cũng không phải người Việt Nam như lúc nghe cô nói, cô là Va-ni-da Vit-ni-vong, người Viên-chăn. Tôi kể câu chuyện mọi người bàn tán và "ga-lăng": "Vi-ni-da đi thi hoa hậu Lào chắc là đoạt vương miện !". Bấy giờ, đôi mắt cô mới ánh lên nét chân thật của người Lào dù câu trả lời lại rất... Việt Nam: "Em có đi thi nhưng... trượt". Sau này hỏi Xổm-sai, người phiên dịch từng học 7 năm ở Việt Nam và đã tốt nghiệp đại học báo chí, mới biết ở nước bạn chưa tổ chức thi hoa hậu mà chỉ có chọn người đẹp trong các lễ hội mà thôi. Gia đình Vi-ni-da thành lập một doanh nghiệp, có quầy hàng ở chợ sáng - trung tâm thương mại của Viên-chăn. Đến sân bay Vạt-thay, có người trao cho cô một chiếc chìa khóa, cô tiến ra bãi đỗ xe, mở cửa một chiếc Camry mới keng, tự lái về nhà.
Anh Thoong Phu-la-vong và con gái đang học năm thứ hai Đại học Quốc gia Lào đánh hai chiếc Mitsubishi đến khách sạn Lang-xan mời đoàn về nhà chơi. Lại gặp hình ảnh một cô gái tự tay lái xe hơi nên đồng nghiệp tôi, vốn là phóng viên ảnh, như "trúng mánh", cứ thế "bấm" liên hồi. Nhưng anh đã không ngờ là hôm đi chợ sáng, bãi đỗ xe dễ có đến hàng trăm cô gái như thế. Ai cũng ăn diện rất model, đeo kính đen và lái xe hơi... đi chợ. Vẫn biết, đây là thủ đô, không phải cô gái Lào nào cũng được như thế, nhưng đó là một hình ảnh ấn tượng đối với du khách, thể hiện một thế hệ mới của dân thủ đô hiện đại và năng động.
Và không chỉ con gái thủ đô...
Thiếu nữ Lào. |
Một trong những "tháp vàng"
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Trung ương đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào hẹn đoàn đến thăm một trang trại ở tỉnh Viên-chăn, giáp thủ đô. Ông chủ ăn mặc như một nông dân Lào, đi dép hai quai rẻ tiền kiểu Thái Lan lẹt xẹt, sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh hồ cá rộng cả trăm ha đã chiêu đãi đoàn một bữa toàn cá "cây nhà lá vườn". Trong câu chuyện, anh giới thiệu về một trang trại khác của anh rộng 2.000 ha trồng toàn dó bầu (cây cho trầm hương) và gỗ tếch (một loại gỗ trước đây chỉ dùng làm báng súng) mà anh thuê một người ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) quản lý. Cơ ngơi chừng ấy cũng đủ làm chúng tôi bái phục. Nhưng chưa hết...
Buổi tối, anh hẹn cả đoàn "đến nhà uống chén rượu". Tưởng là chén rượu thế thôi, ai dè...
Khuôn viên nhà anh nằm giữa thủ đô Viên-chăn nhưng rộng đến... 2 ha và được trồng một loại cỏ như ở sân gôn. Trong garage có nhiều loại xe, từ Mitsubishi cho đến Mercedes. Trên bãi cỏ sau vườn có một chiếc xe Jeep hạng sang đậu... làm cảnh. Bàn tiệc bày trong vườn kiểu như quý tộc phương Tây thời xưa. Thịt nướng được dọn ra cùng với bia Lào (Beer Lao), loại bia độc quyền trên thị trường. Nhưng chúng tôi không còn "tâm hồn ăn uống" vì câu chuyện của anh khiến cả đoàn rất đỗi ngạc nhiên. Chúng tôi bảo nhau, không khéo phải bôi dầu gió chứ không thì choáng mà... ngất mất!
Ông "đi dép loẹt quẹt" này hóa ra lại là tỉ phú đô la tên là Phisiln Sayathinh, chủ một tập đoàn có đến... 20 công ty; trong tay có cả nhà máy xi măng, nhà máy thép, nhà máy chế biến gỗ, công ty xây dựng, công ty thương mại và một loạt các trang trại... Anh mở vi tính xách tay, giới thiệu về các công ty của mình, đến nhà máy cán thép, anh bảo: "Tôi ký hợp đồng với chủ đầu tư xây dựng khách sạn Malaysia ở Viên-chăn cung ứng toàn bộ thép xây dựng cho khách sạn này trị giá 2 triệu đô la nên sản xuất không kịp cho họ lấy hàng, chưa nói chuyện phải dành một ít cung ứng cho thị trường". Đoạn, anh dẫn chúng tôi đến góc vườn của biệt thự, ở đó treo một cây đàn kiểu như đàn đá và tự tay đánh một bản nhạc. Âm thanh khi thì trong vắt, khi thì trầm ấm làm ai nấy ngẩn ngơ. Nhưng bất ngờ hơn, anh giới thiệu bộ đàn này được anh tự tay làm bằng... than củi. Loại gỗ làm ra than này anh giấu tên, có nhiều ở rừng Lào. Anh bảo, sẽ đến lúc cấm hết việc khai thác nên bây giờ anh đang tìm cách trồng nó. Gỗ nhẹ như gỗ dó bầu nhưng khác là nếu loại gỗ khác đốt cháy ra than trong vòng 30 phút thì loại gỗ này phải mất đến 8 tiếng đồng hồ. Hiện công ty xuất nhập khẩu của anh mỗi tháng xuất sang Nhật Bản 100 tấn với giá 1.000 USD/tấn, tức là mỗi tháng thu về từ việc xuất khẩu than cỡ 100.000 USD. Anh bảo nhu cầu thị trường Nhật tiêu thụ than này là... vô tận. Anh chỉ biết công dụng của nó là khử mùi trong các thiết bị làm lạnh và trong phòng có dùng máy lạnh. Còn làm gì nữa thì anh không biết. Trong nhà anh và ở nơi làm việc cũng có một bình sứ dạng cổ, trong có cắm vài thanh than này, vừa tạo dáng đẹp, vừa dùng để khử mùi và khí độc.
Phisiln Sayathinh học nghề điện ở Liên Xô cũ 7 năm, về nước trong thời đang gặp khó khăn, anh nhất quyết phải làm một cái gì đó cho đất nước, chứ không phải làm theo kiểu "đánh quả" như một số người. Anh khởi nghiệp từ việc xây dựng một cơ sở cán thép từ sắt phế liệu. Trúng hướng. Nhà máy cán thép đồ sộ như một khu công nghiệp hiện nay bắt nguồn từ đó.
Phisiln Sayathinh tâm sự, có người bảo anh giàu thế rồi còn làm làm gì nữa, anh bảo họ, người giàu có và người khó khăn làm việc khác nhau. Người khó chỉ làm cho đủ ăn, người giàu có rồi muốn làm cho người khác cùng giàu có. Và anh không nói suông, hàng nghìn công nhân của anh, bằng thu nhập bình quân khoảng 800.000 kíp (bằng khoảng 1,2 triệu đồng VN), chưa kể cổ phần được chia, đã và sẽ giàu có. Các vùng anh có trang trại, anh đầu tư xây dựng trường học, thủy điện nhỏ và các công trình phúc lợi cho dân, cũng là để cho mình, vì khi dân thuận, rừng mới được giữ.
Ấn tượng về ông "tỉ phú đô la đi dép loẹt quẹt" mặc áo bỏ ngoài quần ngồi trong phòng khách rộng và sang trọng như phòng khách của đại lễ đường không thể nào phai được trong tôi. Chỉ tiếc thời gian quá ngắn không đủ để "học vài chiêu" của người "nhìn đâu cũng thấy tiền". Nhưng không quan trọng, điều quan trọng hơn là làm sao nước bạn Lào có được nhiều người như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét