Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

Rộn ràng lễ ngăn sông Xekaman

Trên công trình thủy điện lớn nhất của VN đầu tư tại Lào :

Thủy điện Xekaman 3 chính là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của các doanh nghiệp VN, và cũng là dự án hợp tác đầu tư lớn nhất giữa hai nước VN và Lào trong giai đoạn hiện nay.

Ron rang le ngan song Xekaman
Thời khắc lịch sử

11h15" ngày 20/12, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Xaynhaxỏn, Phó Thủ tướng thường trực nước CHDCND Lào Somsavath Lengsavath cùng Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải đã chính thức bấm nút lệnh và thả những viên đá đầu tiên tại lễ ngăn sông Nhà máy thủy điện Xekaman 3 tại huyện Đắc Chưng, tỉnh Sêkông (Lào).

Rộn ràng cờ hoa trong không khí hân hoan của hàng ngàn người dân nước bạn Lào, đại diện lãnh đạo các bộ ngành của hai nước cùng trên 1.800 công nhân Tổng Cty Sông Đà. Nhớ lại, đây cũng chính là những ngày Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào vui mừng kỷ niệm 32 năm ngày thành lập nước CHDCND Lào (2/12/1975-2/12/2007)!

Theo khuôn khổ hợp tác năng lượng điện giữa hai nhà nước đến năm 2020 sẽ đạt 3.000 MW, hiện tại đã có 5 dự án được ký biên bản ghi nhớ, với tổng công suất 2.215 MW, có khả năng sản xuất năng lượng điện năng đạt 6.689 triệu Kwh/năm, với tổng mức đầu tư của cả 5 dự án lên tới khoảng 2,955 tỷ USD.

Và như khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thủy điện Xekaman 3 chính là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của các doanh nghiệp VN, và cũng là dự án hợp tác đầu tư lớn nhất giữa hai nước VN và Lào trong giai đoạn hiện nay, với công suất lắp máy 250 MW và tổng mức đầu tư 273 triệu USD dưới hình thức BOT.

Khi đưa vào vận hành và sử dụng, nhà máy sẽ cung cấp lượng điện trung bình hàng năm trên 1 tỷ KWh.

Ron rang le ngan song Xekaman
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Xaynhaxỏn và Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải dự lễ ngăn sông

Đây cũng chính là dự án lớn đầu tiên trong chương trình hợp tác, trao đổi điện năng giữa hai nước, tiếp theo sẽ là các dự án thủy điện Xekaman 1, Xekaman 4, Luông Prabăng và các dự án khác ...

Chủ dự án các công trình này là Cty cổ phần Điện Việt - Lào, ra đời với sự góp mặt của Tổng Cty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN...

... Dấu tích những ngày mưa lũ vừa qua dù không gây ảnh hưởng nặng nề như các địa phương giáp biên phía Quảng Nam của Việt Nam nhưng cũng phần nào hiện rõ trên khắp nẻo đường lầy lội dẫn đến công trường.

Ông Dương Khánh Toàn - Tổng Giám đốc Tổng Cty Sông Đà - đơn vị tổng thầu xây lắp Xekaman 3, vui mừng thông báo: Kể từ ngày khởi công (5/4/2006) đến nay, hàng ngàn công nhân Sông Đà vẫn liên tục vượt mọi khó khăn thiếu thốn để phấn đấu hoàn thành tiến độ với khoảng 30% khối lượng.

Ron rang le ngan song Xekaman
Thợ Sông Đà trên công trường thủy điện Xekaman 3

Cụ thể, đã đào trên 1,3 triệu m3 đất đá tuyến năng lượng, hoàn thành các hạng mục : hầm dẫn dòng thi công, tuyến ngăn sông, nhà ở lán trại, điện nước, công trình công cộng phục vụ thi công ...

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao và cho phép tiến hành ngăn sông đúng tiến độ. Tuy nhiên, ông Toàn cũng khẳng định, đó chỉ là bước đầu, bởi sau ngăn sông mới bắt tay vào hàng loạt những hạng mục chính, như: Xây dựng nhà máy, đập dâng, đập tràn, trạm phân phối điện ngoài trời, lắp đặt thiết bị công nghệ, hiệu chỉnh chạy thử các tổ phát ...

Đặc biệt là ngay sau lễ ngăn sông này là phải đắp đập vượt lũ trên cao trình 907m với khối lượng xấp xỉ 1 triệu m3 vật liệu các loại để đảm bảo chống lũ năm 2008 cho công trình.

Gương mặt gầy sắt lại, “tổng quản” của 1.800 CB-CNV Sông Đà trên công trường, Giám đốc Ban điều hành dự án Phạm Văn Kiểm, giọng vẫn nhỏ nhẹ như không:

“Đợt lũ vừa rồi kéo liên tiếp từ 26/9 đến 2/12, đường sá sạt lở nặng nề, anh em chúng tôi gần như bị “cắt đứt” về đường ôtô với Việt Nam, lương thực thực phẩm dự trữ cũng vừa cạn kiệt thì lũ mới dứt...”.

Suốt 26 năm “chinh chiến” từ thủy điện Hòa Bình, tới Yaly, Tuyên Quang, Sơn La, rồi bây giờ là đất bạn Lào thăm thẳm núi rừng miền biên ải lắm mưa thừa nắng, cũng như bao người lính Sông Đà khác, số thời gian gần gũi gia đình vợ con của anh Kiểm chỉ tính bằng con số thật ít ỏi.

“Nhưng bây giờ dù sao mình cũng hơn nhiều anh em, vì thỉnh thoảng được ... đi họp ngoài Bắc, tranh thủ tạt qua nhà...” - ông “tổng quản” cười vui rồi nhanh nhẹn bước xuống công trường.

Suốt dọc mọi con đường từ các bản làng Đắc Chưng dẫn về công trường, những người mẹ nước Lào địu con trên lưng, tay cầm hai lá cờ của hai nước, vẫy gọi rộn ràng. Những mái nhà sàn lúp xúp đượm một màu nâu sẫm kia, rồi sẽ tưng bừng ánh điện. Chắc chắn vậy, một ngày không xa nữa ...

Không có nhận xét nào: