Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

Du lịch ASEAN: Những nơi không thể không đến

Chưa bao giờ du lịch châu Á lại "lên ngôi" như năm 2004. Việc miễn visa vào một số nước trong khu vực và giá tour rẻ đã tạo cho du khách cơ hội khám phá nhiều điều mà họ từng mơ ước.

Ngạc nhiên Thái Lan

Hệ thống giao thông ở Thái đi trước Việt Nam 20 năm. Từ Nong Khai về Bangkok hơn 750km đường thênh thang. Đường vắng vẫn có cầu vượt. Xe toàn tay lái nghịch, chạy bên trái. Xe buýt nội địa thì cũ nhưng chở du khách toàn xe mới 2 tầng rất tiện nghi và hiện đại. Tầng dưới có cả bàn đa năng. Ngồi tầng trên ít say xe lại tha hồ ngắm cảnh. Các cây xăng dọc đường là những trạm dừng lý tưởng để vệ sinh, mua sắm, điện thoại... Từ Nong Khai cũng có xe lửa đi Bangkok nhưng du khách chuộng đường bộ hơn.

Lâu nay du khách Việt Nam đi Thái chủ yếu để vui chơi mua sắm. Cứ Bangkok - Pattaya hoặc Pattaya - Bangkok. Du lịch Thái đang bán dưới giá thành - siêu rẻ - không ai bắt chước nổi. Dứt khoát trong tour phải có các show độc tự túc vé. Bắt buộc phải vào các trung tâm mua sắm bởi đây là nơi trả tiền xe cho các công ty du lịch. Bạn thử đi ngoài chương trình và không mua sắm xem, giá cả sẽ tăng gấp ba bốn lần ngay. Vé máy bay Sài Gòn - Bangkok 175 USD/lượt nhưng đi khứ hồi khuyến mãi chỉ từ 130-140 USD nên cứ việc mua vé khứ hồi đi một lượt rồi bỏ vẫn rẻ hơn.

Du lịch Thái không chỉ có Bangkok, Pattaya mà còn có các cố đô Sukhothai, Ayuthaya, Chiengmai, đảo Phukhet... Cách Bangkok hơn 130km là Kanchanaburi với "cầu sông Kwai" lịch sử trong thế chiến thứ 2. Ai từng xem bộ phim huyền thoại này mà không mong một lần đến đó. Hãy vào viếng Bảo tàng chiến tranh (nghĩa trang của quân đồng minh), nghiêng mình trước vong hồn của các chiến binh còn rất trẻ: họ vẫn sống mãi với đời như những nhân chứng của cuộc chiến tàn khốc. Hơn 100.000 tù binh chiến tranh và cư dân địa phương đã bỏ mình vì chiếc cầu xương máu này. Hãy lặng lẽ nhịp bước trên cầu, nghe thì thào trong gió lời nhắc nhở của hàng vạn sinh linh "đừng bao giờ để chiến tranh tái diễn".

Tại đây, khách cũng có thể du thuyền trên dòng Mêklang hoặc qua bên kia sông mua hàng lưu niệm của người dân Myanmar gần đó mang qua. Về lâu dài đây là điểm nối tour với Myanmar.

Ấn tượng Lào

Chuyến tham quan vòng quanh thủ đô Lào là cuộc khám phá đầu tiên dành cho những du khách đầu tiên đặt chân đến nơi này.

Trước tiên, bạn sẽ đi tham quan That Luông, biểu tượng quốc gia, nơi thường diễn ra các lễ hội lớn; chùa Sisakhet với bảo tàng tượng Phật; chùa Simuang nổi tiếng linh thiêng; Ho Phakeo, điện thờ của Phật Ngọc Lục Bảo; ghé thăm chợ Sáng, chợ lớn nhất ở Lào - có rất nhiều bà con Việt kiều buôn bán. Lên đỉnh đài Chiến Thắng ở độ cao 42m ngắm hoàng hôn và toàn cảnh thủ đô.

Ẩm thực Lào có nhiều món lạ như cơm nếp không dính tay, ớt muối chua, ớt luộc, ớt chiên giòn, dừa nướng, mắm Muok, gỏi Tam Maak Hung...

Từ Vientiane, du khách có thể đi đường bộ theo quốc lộ 13 (song song với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1 của Việt Nam) xuyên Lào (hoặc đi máy bay). Du khách có thể xuôi Nam đến Savanakhet, Champasak... Chùa Phu (Wat Phu) ở Paksé - di sản văn hóa thế giới được xây dựng trước thế kỷ thứ X hoặc ngược bắc lên Xiêng Khoảng khám phá cánh đồng kì lạ với trên 300 chum đá nặng từ 1,8 đến 2,7 tấn.

Nhưng đông vui nhất là cố đô Luang Prabăng - cũng là một trong những di sản văn hóa thế giới của Lào. Luang Prabăng nằm gọn giữa ngã ba sông Mêkông và Nậm Tha với nhiều danh lam thắng cảnh. Chùa Mai (chùa Mới) với 5 tầng mái ngói và những dãy phù điêu chạm vàng. Chùa Xiêng Thoỏng (thành phố vàng) được xem là chùa đẹp nhất ở Lào. Hoàng cung là bảo tàng quốc gia với hàng ngàn hiện vật; chợ đêm H"mông, núi Chàng và núi Nàng...

Đặc biệt là chùa Phousi trên đỉnh núi Phousi với 329 bậc thang len lỏi giữa rừng Champa cổ thụ quanh năm ngát hương đời. Du khách thường lũ lượt lên chùa để chờ xem những tia nắng cuối cùng trong ngày biến mất trên dòng sông Mêkông hư ảo. Hoặc ngắm toàn cảnh cố đô độc đáo hòa quyện giữa kiến trúc Âu Á đầu thế kỷ 20, ẩn mình giữa những vạt rừng già lặng lẽ. Sớm tinh mơ, từng đoàn sư sãi rồng rắn khất thực khắp đường phố như cố gọi nắng lên, bắt đầu ngày mới.

Sững sờ Angkor - Campuchia

Từ Poi Pet về Siêm Riệp 154km, đường xấu đến mức không thể xấu hơn. Trong bán kính 50km, quần thể Angkor - kỳ quan hàng đầu thế giới về kiến trúc và điêu khắc - có hàng trăm đền đài. Muốn tìm hiểu phải mất mấy tháng. AngkorWat (kinh đô chùa) chu vi 5,6km, tháp chính cao 65m. Angkor Thom (kinh đô lớn) chu vi 12km có tâm điểm là đền Bayon với 54 tượng thần 4 mặt cao từ 24-42m tạc theo Phật thoại...

Siêm Riệp không chỉ có Angkor mà còn có Kbal Spean nằm trên dãy núi Kulen - còn gọi là dòng sông 1000 Linga được phát hiện năm 1968. Cách đền Bantia Srei 15km, đường độc đạo giữa rừng và núi. Sáng chỉ có xe chạy lên (dưới 25 chỗ), đến tận 11h trưa mới có thể chạy xuống. Tại đây có hàng chục ngôi đền và tháp kỳ bí.

Kbal Spean có nhiều thác đẹp, đây là điểm tham quan mới. Siêm Riệp còn có làng văn hóa các dân tộc Khmer, có chương trình Buffet Khmer và chương trình ca múa độc đáo. Ẩm thực Khmer rất hợp khẩu vị người Việt.

Từ Siêm Riệp đi tàu cao tốc xuôi Biển Hồ và TonleSap về Phnôm Pênh mất khoảng 6 giờ. Mùa mưa Biển Hồ sâu hơn 10m, dài trên 150km. Mùa nắng nước cạn còn 1m phải chạy canô ra TonleSap sang tàu lớn. Các thị trấn nổi trên Biển Hồ cứ theo con nước mà di chuyển ra xa hay gần. Phnôm Pênh còn có Hoàng Cung và chùa Bạc. Chùa lát 5.329 viên gạch bằng bạc ròng, mỗi viên nặng 1,125kg. Trong chùa có nhiều tượng vàng dát kim cương. Tượng lớn nhất nặng 90kg, đính 2.086 viên, có viên bằng ngón tay cái.

Thủ đô Campuchia còn có Wat Phnôm (chùa tháp, chùa núi), bảo tàng quốc gia, bảo tàng Tungsleng, Cánh đồng chết, Đài Độc Lập, Quảng Trường sông 4 mặt... Từ Phnôm Pênh có thể đi tắm biển ở Shihanouk Ville về trong ngày hoặc ngược dòng Mêkông lên vùng tây bắc xem cá heo nước ngọt và thưởng ngoạn hàng chục thác nước hùng vĩ...

Từ Việt Nam có thể đi Campuchia qua ngã Sa Mat thẳng lên Siêm Riệp hoặc từ Mộc Bài lên Phnôm Pênh. Các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Đắc Lắc... đều có đường thủy hoặc đường bộ qua Campuchia. Dự báo Campuchia sẽ là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử hàng đầu ASEAN.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt tour, khi hành lang Đông - Tây được khai thông, du khách có thể điểm tâm tại Việt Nam, ăn trưa ở Lào, ăn tối và dạo chơi ở đông bắc Thái hoặc ngược lại. Người Lào và đông bắc Thái đến Việt Nam dứt khoát phải tắm biển, tham quan các bảo tàng, vào các khu vui chơi và đi mua sắm.

Và đầu năm 2005, Việt Nam và Campuchia sẽ bỏ visa và hệ thống đường bộ ở Campuchia hoàn tất. Lúc đó chắc chắn lượng khách của hai nước Việt - Căm sẽ tăng vọt. Khách Campuchia qua Việt Nam nhất định phải lên Đà Lạt, đến Suối Tiên hoặc Đầm Sen, rồi đi chữa bệnh và thẩm mỹ viện, đi suối nước nóng...

Không có nhận xét nào: